Thứ 2 - Thứ 7 7:30 - 21:00 0967 434 115yte.vmedi@gmail.com

Góc nhìn y tế: Bác sĩ làm thêm

Vmedi > Tin Tức > Góc nhìn y tế: Bác sĩ làm thêm

Bác sĩ làm thêm

Thời bao cấp, kinh tế tập thể là chủ đạo, những gì thuộc về tư nhân, tư hữu đều lạc lõng. Thời ấy bác sĩ chỉ làm nhà nước, không bao giờ có ý nghĩ khám bệnh tư.

Tôi vẫn nhớ hình ảnh bố tôi – một bác sĩ – rất gầy, đi cái xe đạp bánh quấn cao su chằng chịt. Bố tôi làm việc tại bệnh viện lớn ở Hà Nội, thông thạo ba ngoại ngữ, là thư ký khoa học của giám đốc. Lương của bố được 70 đồng, lúc ấy là to lắm so với xã hội, nhưng vẫn không đủ để nuôi ông bà và ba anh em chúng tôi. Cái đói lúc nào cũng rình rập trong nhà.

Hết giờ ở bệnh viện, bố tôi lăn lộn đi làm thêm. Sức vóc không hợp với lao động chân tay, nên ông dạy bổ túc văn hóa cho các cơ quan xí nghiệp, thù lao theo bảng giá của Sở Giáo dục, mỗi tháng thêm được vài đồng. Thời gian dạy ở xí nghiệp xẻ gỗ ngoài bãi sông Hồng thì ngoài tiền dạy thêm, ông được ưu tiên mỗi tháng mua một bao tải mùn cưa về đun bếp. Có hôm bố lặc lè chở một bao mùn cưa to về nhà, vẻ mặt rất bí hiểm. Sau khi đóng hết cửa, bố mới tháo bao mùn cưa, moi ra rất nhiều đầu mẩu gỗ. Thì ra các anh công nhân quý thầy giáo, khi đóng bao mùn cưa đã tranh thủ thêm cho thầy gỗ vụn để về đun bếp.

Sang những năm 1980, do cấm vận, cuộc sống càng khổ cực hơn, nhưng lúc này xã hội không còn cam chịu, các ngành nghề đều bung ra làm thêm. Ngành y là một trong những ngành bung ra làm thêm sớm nhất, có lẽ vì nhu cầu rất lớn của xã hội đối với nhân lực ngành này.

Bố tôi giờ hết giờ làm là đạp xe đến nhà bệnh nhân khám bệnh, tiêm thuốc. Người này khỏi lại mách người khác, bố ngày nào cũng đi đến khuya. Tuy ông vất vả nhưng thu nhập khá hơn, nhà tôi thỉnh thoảng mâm cơm đã thấy thêm miếng thịt. Nhưng những người làm tư bị phê phán rất mạnh, bị mỉa mai “chân ngoài dài hơn chân trong”. Nghị quyết số 55/HĐBT “Về công tác y tế trong thời gian trước mắt”, ra ngày 2/4/1984, ghi rõ: “không còn tư nhân bán thuốc và chữa bệnh tư”.

Tôi lớn lên cũng theo nghề bố. Năm tôi ra trường là những năm đêm trước của Đổi Mới. Lứa bác sĩ trẻ như chúng tôi còn vất vả hơn nhiều. Tiền trực một đêm không đủ mua nửa bát phở, nên phở là một thức quà xa xỉ với nhân viên y tế lúc đó. Chúng tôi làm đủ nghề để tăng thu nhập. Dễ nhất là trông xe đạp buổi tối, nhưng phải quen biết mới xin được chân trông xe. Bệnh viện Bạch Mai lúc đó phân chia việc trông xe cho các khoa, luân chuyển mỗi khoa được trông xe một ngày.

Tùy truyền thống gia đình mà các bác sĩ còn có những việc làm thêm khác nhau, anh thì đi bỏ mối lạc rang húng lìu, thuốc lào cho quán nước vỉa hè; chị thì đan len, người thì dán hộp giấy… Tôi lúc đó là một bác sĩ trẻ, ngoài giờ làm việc ở bệnh viện cũng trải qua nhiều nghề, trong đó có nghề tôi nhớ mãi là vẽ trang trí túi cói cho mấy bà ở chợ Đồng Xuân. Các bạn tôi về tỉnh còn vất vả hơn, ngoài giờ làm về nhà là chăn nuôi, chạy chợ.

Sau Đổi Mới 1986, thành phần kinh tế tư nhân được thừa nhận. Dược sĩ được bán thuốc, bác sĩ được chữa bệnh tư. Các nhà thuốc và phòng mạch tư ra đời giúp giảm bớt khó khăn của ngành y lúc đó.

Đến nay, gần 40 năm sau Đổi Mới, y tế tư nhân, từ những phòng mạch tại nhà đơn giản ban đầu, đã phát triển thành nhiều bệnh viện lớn, trang thiết bị hiện đại. Các bác sĩ nhiều người chuyển hẳn sang làm toàn thời gian ở bệnh viện tư. Nhưng cũng có người vẫn làm bệnh viện công, chỉ tranh thủ thời gian rảnh làm thêm ở bệnh viện tư. Tình trạng bác sĩ bệnh viện công kết hợp làm cho các bệnh viện tư là rất phổ biến. Việc này tôi thấy tất cả cùng có lợi: người bệnh có thêm chọn lựa, thầy thuốc có thêm thu nhập, y tế công được giảm tải.

Theo WHO, tính đến năm 2018, Việt Nam chỉ có trung bình một bác sĩ và hai y tá/1.000 người dân, thuộc nhóm các nước có số lượng bác sĩ và y tá thấp hơn chỉ số trung bình của các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp. Nhu cầu của xã hội đối với nhân lực y tế là rất lớn, nên chuyện làm thêm của bác sĩ vừa giải quyết vấn đề cung cầu, vừa giúp họ nâng cao tay nghề, tăng thêm thu nhập, hoàn toàn là chuyện chính đáng.

Điều 14 Luật Viên chức quy định, viên chức được phép đi làm thêm, miễn là có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị công lập. Còn theo Luật Lao động, người lao động được làm thêm không quá 200 giờ một năm. Như vậy là nhu cầu của xã hội là có thật và luật cho phép.

Thế hệ trẻ ngày nay nghe chúng tôi kể những chuyện xưa chắc sẽ kinh ngạc: tại sao hồi đó khổ thế, vô lý thế mà các thế hệ thầy thuốc vẫn chịu được, tại sao không làm thêm bằng chính nghề của mình mà phải làm nghề khác rồi bòn mót từng mẩu gỗ vụn. Tôi cũng nhiều khi tự tìm cách lý giải sự chịu đựng này. Các nhà lý luận sẽ có những giải thích sâu xa, còn tôi bằng trực quan, tôi thấy ở cái thời đó suy nghĩ còn ấu trĩ, mù quáng lắm, nên nhiều khi tự làm khổ mình và làm khổ nhau.

Trong quá trình phát triển sẽ có lúc này lúc khác con người chưa hiểu nhau. Những điều thế hệ ông cha đã trả giá sẽ là bài học để cư xử với nhau thông minh hơn, nhân ái hơn. Tôi cầu mong những điều ấu trĩ của thời bao cấp đừng bao giờ quay trở lại.

Cuộc sống thời nào cũng có khó khăn và thử thách của thời đó, nhưng các bạn trẻ bây giờ đang được hưởng một cuộc sống thuận lợi hơn xưa rất nhiều.

Nhưng từ quan sát, chiêm nghiệm riêng, tôi thấy xã hội vẫn còn cái nhìn khá khắt khe với chuyện làm thêm của bác sĩ. Mọi ngành nghề đều bình đẳng. Ai cũng cần thu nhập để sống. Vậy tại sao phải định kiến nếu bác sĩ làm thêm đúng trách nhiệm và quy định của pháp luật?

Vả lại, cứu người, càng được nhiều càng tốt.

Ts. Bs. Quan Thế Dân

Tags: bác sĩ làm thêm, bác sĩ khám bệnh tại nhà, công việc bác sĩ làm thêm

5/5 - (6 bình chọn)
About the author

Cảm ơn đã ghé thăm trang website của chúng tôi. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào cần giải đáp, hãy liên hệ hoặc để lại câu hỏi trên trang page để chúng tôi có thể giải đáp cho bạn. Nếu cần hỗ trợ y tế tại nhà vui lòng liên hệ 0967 434 115 hoặc truy cập trang web: vmedi.com.vn để đặt lịch bác sĩ tại nhà. Vmedi Team.

Related Posts

Leave a Reply