Thứ 2 - Thứ 7 7:30 - 21:00 0967 434 115yte.vmedi@gmail.com

Phân loại dịch truyền Amino Acid trong lâm sàng

Vmedi > Dược khoa > Phân loại dịch truyền Amino Acid trong lâm sàng

Trong trường hợp bệnh nhân bị bệnh nặng và không thể hấp thụ dinh dưỡng qua đường tiêu hóa, amino acid có thể được cung cấp dưới dạng dung dịch truyền amino acid hoặc được kết hợp với glucose và lipid trong các sản phẩm phối hợp (có thể được đựng trong túi 3 ngăn). Tuy nhiên, do sự đa dạng của các chế phẩm cung cấp amino acid từ các nhà sản xuất khác nhau, với sự khác biệt về thành phần, hàm lượng và nồng độ cũng như đối tượng sử dụng, tìm hiểu các loại dịch truyền theo từng trường hợp qua bài viết này.

Các loại dịch truyền Amino Acid thường sử dụng

Dựa trên phân loại amino acid theo tính thiết yếu đã được đề cập, các sản phẩm dung dịch amino acid hiện có trên thị trường đều chứa cả 9 amino acid thiết yếu và một số trong các amino acid không thiết yếu còn lại, với thành phần và hàm lượng khác nhau tùy thuộc vào nhà sản xuất. Thông thường, hàm lượng amino acid thiết yếu trong các sản phẩm này chiếm từ 38-57% tổng lượng amino acid, trong khi phần còn lại (43-62%) là các amino acid bán thiết yếu và không thiết yếu.

Khi sử dụng các dung dịch amino acid để cung cấp năng lượng, mỗi gram amino acid cung cấp 4 kcal năng lượng. Do đó, từ nồng độ của dung dịch, chúng ta có thể tính được lượng năng lượng mà dung dịch amino acid cung cấp cho người bệnh.

Các dung dịch amino acid thông thường, được gọi là dung dịch amino acid chuẩn (standard solution), thường được sử dụng rộng rãi trong lâm sàng, bao gồm Alvesin, Aminoplasmal, Aminosteril, Amiparen,…

mot-so-amino-acid-thuong-dung-trong-lam-sang
Một số loại dịch truyền Amino Acid thường dùng trong lâm sàng

Dịch truyền Amino Acid cho bệnh nhân suy gan

Bệnh nhân suy gan có những biến đổi đặc trưng về nồng độ amino acid trong máu vậy nên các loại dịch truyền dinh dưỡng cho bệnh nhân suy gan còn được gọi là đạm gan. Điều này bao gồm sự giảm nồng độ amino acid chuỗi nhánh (BCAA) và tăng nồng độ amino acid chuỗi thơm (AAA). Sự thay đổi này được cho là đóng góp vào việc phát triển bệnh não gan (hepatic encephalopathy). Giả thiết cho rằng điều này xảy ra do BCAA và AAA cùng sử dụng các chất vận chuyển để vượt qua hàng rào máu-não (blood-brain barrier – BBB). Khi nồng độ BCAA giảm, sự cạnh tranh trên các chất vận chuyển giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển AAA vào não.

Khi AAA này vào não, chúng tạo ra các “chất dẫn truyền thần kinh giả” như octopamine, tyrosine, phenylethylamine, góp phần làm tăng tình trạng rối loạn chức năng não. Sự giảm nồng độ BCAA được cho là do chúng được tiêu thụ nhanh chóng để cung cấp năng lượng và tạo glutamate để giải độc ammonia trong cơ thể. Trong khi đó, sự tăng nồng độ AAA là do gan không thể chuyển hóa và thanh thải chúng. Do đó, các dung dịch amino acid được thiết kế dành cho bệnh nhân suy gan có hàm lượng BCAA cao và hàm lượng AAA rất thấp. Điều này làm tăng tỷ lệ BCAA/ tổng amino acid và tỷ lệ Fischer so với các dung dịch amino acid thông thường, đồng thời giảm tỷ lệ AAA/tổng amino acid một cách đáng kể.

dich-truyen-danh-cho-benh-nhan-suy-gan
Dịch truyền Aminosteril N-Hepa 8% dành cho bệnh nhân suy gan

Các loại dịch truyền Amino Acid thường được chỉ định sử dụng cho bệnh nhân rối loạn chức năng gan bao gồm:

  • Aminoleban 8%;
  • Morihepamin;
  • Aminoplasmal-Hepa;
  • Aminosteril N-Hepa 8%.

Dịch truyền Amino Acid cho bệnh nhân suy thận

Dịch truyền dinh dưỡng cho bệnh nhân suy thận hay còn gọi là đạm thận được bào chế cho bệnh nhân suy thận thường có nồng độ amino acid trong huyết tương thấp, do chế độ ăn hạn chế protein. Trong đó, nồng độ của các amino acid chuỗi nhánh (BCAA – bao gồm: leucine, isoleucine và valine) giảm đáng kể. Cụ thể, nồng độ của các BCAA trong huyết tương giảm, và cả nồng độ valin trong cơ bắp cũng giảm. Thay đổi này đã được mô tả và tổng hợp từ nhiều nghiên cứu lâm sàng, như được trình bày trong bảng dưới đây.

su-thay-doi-nong-do-BCAA-o-benh-than-man-va-loc-mau
Sự thay đổi nồng độ BCAA ở bệnh nhân rối loạn chức năng thận

Dựa trên thông tin này, các sản phẩm dung dịch amino acid được thiết kế đặc biệt cho bệnh nhân suy thận cũng có hàm lượng cao của các amino acid chuỗi nhánh (BCAA). Điều này có nghĩa là tỷ lệ BCAA so với tổng hàm lượng amino acid tăng lên nhiều hơn. Tuy nhiên, hàm lượng của các amino acid mạch thơm (AAA) không giảm (% hàm lượng AAA không thay đổi), do đó tỷ số Fischer của các sản phẩm này tương tự như các dung dịch amino acid chuẩn.

Các loại dịch truyền Amino Acid thường được chỉ định sử dụng cho bệnh nhân rối loạn chức năng thận bao gồm:

  • Kidmin;
  • Nephrosteril;
  • Neoamiyu;
  • Celemin Nephro.

Dịch truyền Amino Acid cho trẻ em và trẻ sơ sinh

Dung dịch Amino Acid dùng cho trẻ sơ sinh được thiết kế với các acid amin dựa trên công thức của sữa mẹ. Những acid amin này không chỉ cung cấp dinh dưỡng cho trẻ mà còn không có tác dụng dược động học đặc biệt nếu được sử dụng đúng liều lượng và tốc độ truyền theo hướng dẫn. Để đạt hiệu quả tối ưu khi sử dụng acid amin trong việc truyền tĩnh mạch vào cơ thể, cần cung cấp đủ năng lượng từ các carbohydrat (thường là đường glucose) và chất béo.

Các acid amin được truyền tĩnh mạch và nhập vào quỹ vốn acid amin tự do trong tế bào. Cả acid amin tự nội và acid amin ngoại sinh đều được sử dụng để tổng hợp protein chức năng và cấu trúc của cơ thể. Thành phần acid amin trong dung dịch Amino Acid dùng cho trẻ sơ sinh được lựa chọn dựa trên công thức của sữa mẹ.

Các loại dịch truyền Amino Acid thường được chỉ định sử dụng cho trẻ em và trẻ sơ sinh bao gồm:

  • Aminoven Infant 10%;
  • Vaminolact.

Vaminolact là một ví dụ đáng chú ý về một sản phẩm amino acid được thiết kế đặc biệt cho trẻ sơ sinh và trẻ em. Sản phẩm này có những đặc điểm sau:

  • Thành phần chứa 18 amino acid thiết yếu và không thiết yếu cần thiết cho quá trình tổng hợp protein. Các thành phần này được lựa chọn dựa trên công thức của sữa mẹ.
  • Vaminolact cũng chứa taurin, một amino acid thường có mặt trong sữa mẹ. Taurin giúp ngăn chặn sự tắc nghẽn ở gan của trẻ sơ sinh và thiếu taurin có thể gây rối loạn võng mạc ở trẻ.
  • Sản phẩm cũng cung cấp cystein và tyrosin, hai amino acid quan trọng cho sự phát triển của trẻ, đặc biệt là trẻ sinh non.
dich-truyen-amino-acid-cho-tre-em-va-tre-so-sinh
Dịch truyền Amino Acid dành cho trẻ em và trẻ sơ sinh

Trên thực tế, có rất nhiều sản phẩm bổ sung amino acid khác nhau trên thị trường hiện nay. Do đó, bài viết này không thể đề cập đầy đủ và chi tiết về tất cả các sản phẩm đó. Thay vào đó, chúng tôi sẽ giới thiệu một số sản phẩm phổ biến nhất nhằm cung cấp những thông tin cơ bản ban đầu. Thông qua việc hiểu và phân tích thành phần của các dịch truyền amino acid được sử dụng tại bệnh viện để sử dụng dịch truyền phù hợp cho từng bệnh nhân cụ thể.

5/5 - (1 bình chọn)
About the author

Ngành nghề: Dược sĩ - Y sĩ Là một thành viên của cộng đồng chăm sóc sức khỏe tại nhà thuộc hệ thống Vmedi.com.vn. Tôi hy vọng những bài viết của tôi có thể mang đến những thông tin hữu ích và đúng đắn về sức khỏe, cũng như cách sử dụng thuốc phù hợp.

Related Posts

Leave a Reply